Vào một ngày gió mùa hè năm ngoái, nhiếp ảnh gia phong cảnh người Hồng Kông nổi tiếng toàn cầu Kelvin Yuen Sze-lok đang bận rộn nghiên cứu dự báo thời tiết để kiểm tra các đám mây; Khí tượng học là một trong nhiều sở thích khác mà anh ấy duy trì trong tám năm qua, kể từ khi biến sở thích của mình thành một công việc toàn thời gian.
Yuen đã tìm cách để chụp bức ảnh hoàn hảo về Quần đảo Cửu Châu - một quần đảo gồm hơn 20 hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía đông nam Tây Cống, ở phía đông Hồng Kông - trong suốt ba năm. Các hòn đảo, được biết đến với đường bờ biển cheo leo ngoạn mục cùng với những cột đá núi lửa hình lục giác cao chót vót, là một phần của Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Hồng Kông, nơi được anh coi là một trong những “sân chơi” tốt nhất thế giới để chụp ảnh phong cảnh.
“Vào mùa hè, thảm thực vật trên các hòn đảo chuyển màu xanh rì — tạo nên những bức ảnh tiền cảnh tuyệt vời”, anh nói khi đề cập đến hình ảnh "tuyệt đẹp" của Đảo Nam Cửu Châu anh nhìn thấy khi thức thâu đêm để đợi chụp ảnh bình minh ở Đảo Bắc Cửu Châu. “Làn gió đông nam nhẹ thổi, bầu trời xanh trong cao vợi điểm xuyết vài đụn mây. Những đám mây là điểm nhấn cho khung cảnh trong bức ảnh”.
Công viên địa chất Hong Kong đã trở thành thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2011 và đổi tên thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Hong Kong vào năm 2015.
Nhờ kinh nghiệm nhiều năm chụp ảnh phong cảnh tại Công viên Địa chất, Yuen biết rõ hòn đảo đến nỗi anh thậm chí còn bắt đầu mường tượng điều kiện thời tiết sẽ sinh ra ánh sáng và màu sắc như thế nào khi đang sắp xếp đồ đạc trong đêm để đi du lịch đến Tây Cống bằng thuyền thuê.
Anh cho biết: “Địa điểm thuận tiện là một phần vẻ đẹp của nhiếp ảnh phong cảnh tại Hồng Kông”. "Bạn không cần phải lái xe trong ba giờ để đến bờ biển ... nơi đây có phương tiện giao thông công cộng hoạt động 24/7". Trong vòng chưa đầy một giờ, Yuen đã đắm mình vào vùng đất hoang dã của Đảo Bắc Cửu Châu, cùng chiếc máy ảnh đã thiết lập sẵn sàng để bắt trọn hình ảnh đó.
Yuen trau dồi kỹ năng chụp ảnh của bản thân qua những tấm hình chụp phong cảnh thiên nhiên tráng lệ của Hồng Kông, đặc biệt là những cột đá núi lửa hình lục giác ở Công viên Địa chất.
Một loạt các bức ảnh của anh ấy đã khiến các giám khảo kinh ngạc, đủ để giành Giải thưởng Nhiếp ảnh gia Phong cảnh Quốc tế danh giá của năm 2020, bao gồm một bức chụp ánh sáng phía bắc trên bầu trời Tromso ở Na Uy và một bức ảnh chụp phong cảnh như được chụp tại sao Hỏa ở Utah, Hoa Kỳ. Anh nói: “Giải thưởng có ý nghĩa rất lớn đối với tôi”. “Ba, bốn năm nay, tôi luôn tập trung vào khía cạnh chụp ảnh phong cảnh và việc đạt được giải thưởng này cũng là một trong những mục tiêu của tôi”.
Yuen bắt đầu chụp ảnh từ năm 18 tuổi, khi anh họ của anh tặng anh một chiếc máy ảnh cũ vào năm 2014. Sau khi leo lên núi để chụp những bức ảnh đầu tiên hướng xuống biển mây trên Sư Tử Sơn - một đỉnh núi đá cao 495 mét nhìn ra Cửu Long - Yuen nhận ra rằng anh muốn gắn bó với chụp ảnh phong cảnh trong suốt quãng đời còn lại của mình.
“Cảnh tượng nhìn từ đỉnh núi đã trỗi dậy nguồn cảm hứng trong tôi, tôi chưa bao giờ nghĩ Hồng Kông lại sở hữu khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục như vậy”. Anh chia sẻ. “Đó là lúc tôi nhận ra mình đã phải lòng thiên nhiên”.
“Mỗi khi chụp khung cảnh thiên nhiên của thành phố, tôi thường mải mê đến độ quên cả thời gian. Đó là lý do tại sao tôi biết nhiếp ảnh là công việc của đời mình”.
Yuen giành được giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế đầu tiên trong sự nghiệp vào năm 2015, giải thưởng đã thôi thúc anh có một cái nhìn mới mẻ về khung cảnh thiên nhiên của thành phố - rời xa nơi đô thành, phố thị. Anh chia sẻ: “[Điều đó khiến tôi nghĩ rằng] Tôi có thể quảng bá nhiều khía cạnh của Hồng Kông hơn thông qua sức mạnh của nhiếp ảnh”. “Phong cảnh thành phố của Hồng Kông đã được ghi lại rất trọn vẹn, tuy nhiên phong cảnh thiên nhiên nơi đây lại càng đáng được khám phá nhiều hơn”.
Yuen bắt đầu làm nhiếp ảnh gia chụp ảnh phong cảnh sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sinh học ứng dụng tại Đại học Baptist Hồng Kông vào năm 2018. Anh cho biết rằng bản thân đã chụp được nhiều phong cảnh ấn tượng tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng Công viên Địa chất của thành phố sẽ luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim anh.
“Từ dáng hình những ngọn núi đến nét uốn lượn của đường bờ biển, tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì tương tự ở nơi khác. Nơi đây chính là một phần quan trọng giúp tôi trở thành một nhiếp ảnh gia phong cảnh như ngày hôm nay. Có rất ít nhiếp ảnh gia phong cảnh chú ý đến Công viên Địa chất, vì vậy tôi đã có cơ hội tự mình thử nghiệm và khám phá những điều mới mẻ”.
Anh cho biết đối tượng chụp ưa thích của mình là những cột đá núi lửa hình lục giác có màu vàng nhạt, kích cỡ to lớn nhô lên từ bờ biển nam Tây Cống của Công viên Địa chất.
Anh nói: “Đó là một cảnh tượng hiếm gặp ở những nơi khác trên thế giới bởi hầu hết cột đá lục giác ở nước ngoài đều có màu đen.
Yuen khuyến khích bạn nên ghé thăm cả Quần đảo Úng Cang - bao gồm Đảo Sa Đường Khẩu, Hoành Châu và Hỏa Thạch Châu, nổi tiếng với những vách đá dựng đứng và nhiều vòm tự nhiên - và Quần đảo Cửu Châu nằm ngoài khơi bờ biển phía đông nam của Tây Cống, để được chiêm ngưỡng nhiều khung cảnh ấn tượng và hiếm có. Anh cho biết rằng những hòn đảo gồ ghề nhô ra từ biển xung quanh Đảo Nam Cửu Châu là địa điểm tuyệt vời để chụp ảnh bầu khí quyển từ xa.
Anh giải thích: “Ngược lại, đối với nhiếp ảnh gia, quần đảo Úng Cang lại có những khối đá có quy mô lớn và hình dáng độc đáo.
Khi được chụp ảnh bằng máy bay không người lái, hòn đảo nhỏ của đảo Jin trông giống như một con cá vàng đang vẫy đuôi, còn tảng đá cao nằm trên vách đá của đảo Sa Đường Khẩu lại giống bàn tay cầu nguyện khi nhìn từ một chiếc thuyền.
Yuen nói: “Mỗi hòn đảo đều mang một nét riêng biệt”. “Nơi đây trông giống như một chốn cách biệt khỏi thế giới - chẳng ai nghĩ rằng nơi này có nét gì giống Hồng Kông cả”, anh nói.
Yuen, người dùng máy ảnh cầm tay, giá ba chân và máy bay không người lái để chụp ảnh, thường dành hơn 10 ngày mỗi tháng để lang thang quanh Công viên Địa chất - tìm kiếm những góc chụp mới và chờ đợi thời điểm thích hợp để chụp ảnh. Đối với những người yêu thích nhiếp ảnh và ít quen thuộc với Công viên Địa chất, anh khuyên họ nên tham gia chuyến tham quan bằng thuyền có hướng dẫn viên và mang theo máy ảnh, ống kính tele và ống kính góc rộng.
Anh giải thích: “Bởi vì hầu hết du khách sẽ nhìn thấy các hòn đảo từ một chiếc thuyền, nếu dùng ống kính tele thì họ sẽ chụp những bức ảnh cận cảnh về kết cấu của các cột đá hình lục giác. “Khi đi qua những hẻm núi hẹp hoặc dọc theo những vòm tự nhiên, hãy sử dụng ống kính góc rộng để chụp chúng từ một góc thấp để tạo ra một bức ảnh có góc nhìn ấn tượng và đầy mạnh mẽ”.
Yuen hiện đang lên kế hoạch cho một chuyến công tác vòng quanh thế giới kéo dài 3 tháng và nóng lòng muốn được sử dụng các kỹ thuật mới mà anh học được ở Công viên Địa chất trong vài năm qua, trong thời điểm đại dịch COVID-19 khiến du lịch quốc tế chững lại.
Anh nói: “Chụp ảnh Công viên Địa chất đã dạy tôi cách thích nghi và nhanh chóng xác định vị trí góc lý tưởng cho các cảnh quan khác nhau”.
Yuen thừa nhận rằng rất ít trải nghiệm với phong cảnh nước ngoài có thể so sánh với cảm giác ngắm mặt trời mọc tại Công viên Địa chất ở Hồng Kông.
Anh cho biết: “Khi vầng sáng mặt trời màu cam chiếu những tia nắng đầu tiên xuống các hòn đảo, khung cảnh đó đẹp tuyệt hệt như trong truyện cổ tích”. “Hầu hết [cư dân Hồng Kông] sống ở các trung tâm đô thị sầm uất, nhưng chỉ mất khoảng một giờ đi từ nhà là bạn đã có thể đặt chân lên hòn đảo hoang này và ngắm cảnh mặt trời mọc lên từ giữa đại dương. Điều đó thật đặc biệt”.
Thông tin trong bài viết này có thể thay đổi mà không thông báo trước. Vui lòng liên hệ với các nhà cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ tương ứng nếu bạn có thắc mắc.
Hội đồng Du lịch Hồng Kông không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến chất lượng hay sự thích hợp cho mục đích sử dụng đối với sản phẩm và dịch vụ của bên thứ ba; đồng thời không cam kết hay bảo đảm về tính chính xác, đầy đủ hoặc độ tin cậy của bất kỳ thông tin nào trong đó.