Trong suốt lịch sử Hồng Kông, thành tựu của thành phố đã in đậm dấu ấn trong khung cảnh đường chân trời nổi bật phát triển mạnh mẽ ở cả hai phía Cảng Victoria. Khi những tòa tháp lộng lẫy vươn mình tựa như phượng hoàng sải cánh bay cao, bỏ lại sau lưng ký ức về kiến trúc thời thuộc địa, thì vẫn có một biểu tượng chẳng hề lay chuyển. Đó là Phà Ngôi Sao đã ngược xuôi giữa đầu phía nam của Bán đảo Cửu Long và đảo Hồng Kông suốt hơn 120 năm qua.
Dịch vụ phà qua cảng bắt đầu hoạt động vào những năm 1880 nhờ công của doanh nhân người Parsi là Dorabjee Naorojee Mithaiwala, trên chính chiếc tàu hơi nước Morning Star của ông. Tuy nhiên, đến năm 1898, khi doanh nhân người Anh gốc Armenia Catchick Paul Chater mua đội tàu gồm bốn chiếc, Star Ferry Company (Công ty Phà Ngôi Sao) mới ra đời.
Chín chiếc thuyền hai đầu sơn màu xanh đậm và màu ngà hiện đang hoạt động trên các tuyến giữa khu Trung Hoàn, Loan Tể và Tiêm Sa Chủy. Kiểu dáng tàu hiện tại lần đầu tiên ra khơi vào thập niên 1950, dù thiết kế có thay đổi chút ít so với chiếc Morning Star của ông Naorojee, đã nhanh chóng trở thành một mảnh ghép không thể thiếu không chỉ trong cơ sở hạ tầng mà còn trong cả văn hóa của Hồng Kông. Ngày nay, đó không chỉ là phương tiện giao thông cho cư dân và du khách tại Hồng Kông mà còn là nguồn cảm hứng cho những con người khao khát sáng tạo ở thành phố này.
"Phà Ngôi Sao là biểu tượng độc nhất vô nhị, không thể trộn lẫn." - đó là lời khẳng định của Douglas Young, người đồng sáng lập cửa hàng thời trang và phong cách sống tôn vinh văn hóa thị giác của Hồng Kông có tên Goods of Desire (G.O.D.). Anh tin rằng chính thiết kế trước sau như một đã khiến dịch vụ này trở nên đặc biệt. "Ở Hồng Kông hiếm khi có thứ gì không thay đổi sau một thời gian dài đến thế."
Max Dautresme, giám đốc sáng tạo của xưởng thiết kế đặt trụ sở tại Hồng Kông Substance, lại càng đề cao giá trị của Phà Ngôi Sao. Những chiếc tàu đã trở thành niềm cảm hứng dẫn lối anh khi anh thiết kế lại khách sạn The Fleming ở Loan Tể. "Chúng tôi nhận ra rằng đó chính là biểu tượng thể hiện những giá trị mà chúng tôi muốn xây dựng cho khách sạn: văn hóa, xã hội và năng lực." Với Dautresme, những chiếc thuyền là cầu nối giúp anh tiếp cận tính thẩm mỹ và giáo dục. Anh đã đan cài những đặc điểm của Phà Ngôi Sao vào tinh thần cũng như phong cách của The Fleming.
Cả hai nhà thiết kế đều ca ngợi chỗ ngồi trên những con tàu như một dấu ấn vô cùng đặc biệt, nhất là những chiếc ghế được trang trí biểu tượng ngôi sao nổi bật ở boong trên (theo Young). Dautresme say mê sự tối giản khi người ta thiết kế những chiếc ghế để có thể đổi hướng tùy theo việc con tàu đối xứng chạy ngược hay xuôi: "Một cú xoay và bạn có thể chọn hướng để nhìn về - quả là vô cùng sáng tạo!". Anh còn nhấn mạnh thêm, rằng "Mọi chi tiết đều được tính toán kỹ, nhưng chính tính thực dụng đó đã trở thành biểu tượng".
Những vật liệu cũng thi gan với thời gian. Những chi tiết bằng đồng thau, gỗ tếch, sáp và vải bạt đều đã nhuốm màu thời gian, bị ô xy hóa và đổi màu vì gió mưa và vì sử dụng trên môi trường nước nhưng những nét thay đổi ấy lại thật duyên dáng, mang lại dáng vẻ hùng vĩ cho di sản lâu đời của những chuyến phà và biến chúng thành biểu tượng kinh điển của thành phố.
Tuy nhiên, với Young, hành trình ấy khó quên đến thế không chỉ là vì những con tàu, mà còn nhờ bao con người làm việc trên đó. "Bản thân những thủy thủ già cũng là hình ảnh thật thân thương, tôi rất thích bộ đồng phục họ khoác trên mình." “Khi đi Phà Ngôi Sao, tôi thường chọn tầng dưới vì thích hít hà mùi xăng đặc trưng và muốn được ở gần biển hơn."
Đa số những người dân Hồng Kông như Young đều thích tầng dưới hơn, còn tầng trên sẽ dành cho những vị khách du lịch muốn có vị trí thuận tiện để ngắm cảnh bến cảng. Trong số đó có Francessca Cheung. Cô bắt phà qua cảng đi làm mỗi ngày, lâu đến độ cô cũng chẳng thể nhớ rõ. Cheung thích đắm mình trong bức tranh đường chân trời mỗi sớm mai thay vì bắt chuyến MTR. "Với tôi, chuyến phà này không chỉ rẻ mà còn tiện lợi và hiệu quả." “Tôi sống trên một trong những hòn đảo cách xa trung tâm thành phố và làm việc ở Tiêm Sa Chủy, nên việc bắt Phà Ngôi Sao đi làm cũng là thường tình. Chuyến phà này khiến tôi cảm thấy gắn bó với thành phố quê hương khi ngắm nhìn nơi đây sớm tối. Bất kể thời tiết ngày hôm đó ra sao, tôi luôn biết mình đang ở đâu.”
Bởi vì, dĩ nhiên rồi, dịch vụ này mở ra không phải với mục đích trở thành điểm tham quan du lịch mà để đón đưa mọi người qua cảng và công ty vẫn sẽ tiếp tục sứ mệnh này trong ít nhất 100 năm tới, bất kể hành khách đang trên đường đi làm hay muốn thưởng ngoạn khung cảnh ấn tượng mà Hồng Kông đem tới từ vị trí thuận lợi trên mặt nước Cảng Victoria.
Dautresme tâm sự rằng "Tôi luôn thích bắt Phà Ngôi Sao và đây luôn là nơi tôi dẫn những vị khách mới tới Hồng Kông đến thăm thú". "Chuyến phà mang đến góc nhìn tuyệt không gì sánh bằng, để từ đó ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thực sự của bến cảng. Tôi sẽ đi xem Bản giao hưởng ánh sáng vào 8 giờ tối và tìm đến mạn phải ở phía sau. Từ đây, bạn có thể ngắm trọn đường chân trời khi ánh đèn bừng sáng. Tất cả mọi người dường như đều bị mê hoặc. Đây là nơi có một không hai trên đời, là một trong số rất ít những bến cảng mà dân cư đông đúc và cảnh quan đô thị lại gần biển đến thế. “Phà Ngôi Sao sẽ giúp bạn cảm nhận điều đó.”
Thông tin trong bài viết này có thể thay đổi mà không thông báo trước. Vui lòng liên hệ với các nhà cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ tương ứng nếu bạn có thắc mắc.
Hội đồng Du lịch Hồng Kông không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến chất lượng hay sự thích hợp cho mục đích sử dụng đối với sản phẩm và dịch vụ của bên thứ ba; đồng thời không cam kết hay bảo đảm về tính chính xác, đầy đủ hoặc độ tin cậy của bất kỳ thông tin nào trong đó.