Nằm bên bờ biên giới đông bắc giữa Hồng Kông và Thâm Quyến, Sha Tau Kok từng là một bí ẩn đối với nhiều người. Với dân số chỉ khoảng 4000 người, trong nhiều thập kỉ thị trấn này vẫn là một khu vực hạn chế và chỉ những du khách có sự cho phép của chính quyền mới được đến thăm nơi đây. Tuy nhiên, kể từ tháng 6 năm 2022, thị trấn khép mình này đã dần dần mở cửa với những du khách hiếu kỳ muốn vén màn những bí mật của nơi đây.
Nằm giữa nhiều ngôi nhà tập thể có lịch sử lâu đời dọc theo Phố San Lau là Sha Tau Kok Story House, một bảo tàng di sản chứa nhiều các đồ tạo tác và tài liệu về lịch sử của cộng đồng thị trấn được kể lại qua các thế hệ. “Con phố này từng là một nơi rất nhộn nhịp. Người Đại lục từ bên kia biên giới sẽ đến đây để mua những loại hàng hóa không có sẵn ở chỗ của họ,” Charles Lee, giám đốc của Sha Tau Kok Story House đồng thời là hướng dẫn viên du lịch sinh thái cho biết. Ngày nay, khi Thâm Quyến đã phát triển thành một đô thị thịnh vượng, Sha Tau Kok không còn là điểm đến để tìm nguồn cung ứng hàng hóa.
Trở về quá khứ khi ông vẫn còn sống ở trung tâm thành phố, ông Lee từng dẫn một đoàn khách thăm quan Công viên Quốc gia Plover Cove. Nơi đây là một phần bờ biển xung quanh bến cảng có mái che của Starling Inlet, hay còn gọi là Sha Tau Kok Hoi. Trong một chuyến đi tới Lai Chi Wo — một khu định cư Hakka được tái sinh và mang nhiều ý nghĩa lịch sử —ông Lee đã gặp người đứng đầu Sha Tau Kok, người đã truyền cảm hứng cho ông đến thăm và tìm hiểu thêm về thị trấn biên giới này cũng như mối liên hệ văn hóa giữa nó với các ngôi làng trong khu vực. “Tôi quyết định chuyển tới sống ở Sha Tau Kok vì tôi thực sự yêu môi trường và nhịp sống ở đó,” ông nhớ lại. “Không nơi nào ở Tân Giới đặc biệt như ở đây.”
Sau đó, ông nhận ra rằng cuộc sống của một cư dân Sha Tau Kok thú vị hơn nhiều so với tưởng tượng. Ông thích tản bộ dọc bờ sông và thưởng thức phong cảnh tuyệt đẹp. “Bến tàu Sha Tau Kok dài 280 mét có thể được biết đến nhiều vì là bến tàu dài nhất ở Hồng Kông,” ông nói. “Nhưng chỉ khi bạn đi hết đến cuối con đường mòn, bạn mới nhận ra phong cảnh tuyệt vời đến mức nào. Chỉ cần nhìn một bên là những rặng núi nhấp nhô của Công viên Quốc gia Plover Cove và ở bên kia là đường chân trời xa tắp của thành phố Thâm Quyến sầm uất .”
Căn hộ của ông Lee nhìn ra bến cảng, một khung cảnh không bao giờ khiến ông chán mắt. “Vào buổi tối, bạn thường có thể nhìn thấy những con diệc hoặc các loài chim khác nghỉ ngơi trên những chiếc phao màu xanh trôi dập dềnh gần bến tàu.”
Ông cũng rất tâm huyết trong việc giới thiệu văn hóa của Sha Tau Kok thông qua các phương tiện truyền thông và các đoạn clip về cuộc sống đời thường trong thị trấn.
“Cư dân bản địa ở đây chủ yếu là người Hakka và người Hoklo [hậu duệ của những người di cư từ Phúc Kiến], họ vốn là ngư dân nhưng đã chuyển đến sống trên đất liền,” ông cho biết. “Dù vậy họ vẫn giữ được rất nhiều nét truyền thống miền biển.” Ví dụ như điệu múa dân gian Thuyền rồng trên cạn được biểu diễn trong các lễ hội và các dịp như đám cưới. Trong nghi lễ, cư dân Hoklo mặc trang phục do họ tự may và diễu hành dọc đường phố trong khi vung tay theo động tác chèo thuyền theo tiếng trống.
“Sha Tau Kok không bao giờ đông đúc vào những ngày thường, nhưng bạn sẽ thấy hàng trăm người tụ tập vào những dịp đặc biệt như lễ sinh thần của Thiên Hậu [Nữ thần biển cả].
Ông Lee bắt đầu mở cửa Sha Tau Kok Story House vào năm 2018 để bảo tồn các hiện vật lịch sử của thị trấn biên giới và những câu chuyện của cư dân nơi đây. Nó nằm trong một căn nhà phố liền kề một tầng kiểu truyền thống rộng 1000 foot vuông, được xây dựng vào năm 1933 và có hiên nhà nguyên bản trên mặt phố - một đặc điểm điển hình của các tòa nhà vào thời đó. Các cuộc triển lãm trưng bày các hiện vật được quyên tặng thể hiện cuộc sống ở Sha Tau Kok trong quá khứ, chẳng hạn như sách và tờ rơi cũ, đồ nội thất nguyên bản, dụng cụ, đồ sành sứ, mũ tre, quần áo và thậm chí có cả một chiếc cửa sổ vỏ sò truyền thống.
Ông nói: “Những ngôi nhà của gia đình thượng lưu sẽ có cửa sổ làm từ những cụm vỏ sò được bào thành những tấm mỏng trong suốt. “Nếu nhìn kỹ dưới ánh đèn, bạn vẫn có thể thấy được những hoa văn làm từ vỏ sò”.
Kể từ khi chính phủ công bố kế hoạch mở rộng Sha Tau Kok, ông Lee đã bắt đầu tổ chức lại các cuộc triển lãm của bảo tàng di sản để kịp đón thêm nhiều du khách tới thăm quan. Ông có tham vọng mở rộng Story House sang một tầng khác trong cùng tòa nhà và ông cũng thành lập một tổ chức để phát triển thêm những nỗ lực bảo tồn thị trấn.
“Con cháu của một số chủ cửa hàng cũ sẽ quay lại và mở lại những nơi đó như những ‘phòng kể chuyện’ để kể lại lịch sử kinh doanh của gia đình họ cho du khách”, ông nói. “Chúng tôi cũng đang khuyến khích những người trẻ tuổi mở thêm các quán cà phê và cơ sở kinh doanh sáng tạo để hồi sinh quận. Sha Tau Kok sẽ trở thành một điểm đến văn hóa tuyệt vời.”
Thông tin trong bài viết này có thể thay đổi mà không thông báo trước. Vui lòng liên hệ với các nhà cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ tương ứng nếu bạn có thắc mắc.
Hội đồng Du lịch Hồng Kông không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến chất lượng hay sự thích hợp cho mục đích sử dụng đối với sản phẩm và dịch vụ của bên thứ ba; đồng thời không cam kết hay bảo đảm về tính chính xác, đầy đủ hoặc độ tin cậy của bất kỳ thông tin nào trong đó.