Kiến trúc sư từng đoạt giải thưởng quốc tế Thomas Chung hiện đang chìm đắm một dự án hoàn toàn khác biệt với các tòa nhà chọc trời mang tính biểu tượng của Hồng Kông và các khu phát triển mật độ dân cư cao. 19 căn nhà bằng đá nhỏ bé, hẻo lánh nằm rải rác trên sườn núi trên Đảo Lạn Đầu lại là điều thu hút sự chú ý của anh ấy.
Chung, hiện là phó giáo sư tại Trường Kiến trúc thuộc Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, đứng đầu một nhóm đa ngành có chuyên môn về kiến trúc, nhân chủng học, sinh thái, địa lý và khoa học đời sống. Trước đây, anh tập trung vào các khu đô thị ở Hồng Kông như Khu Trung Hoàn, Thượng Hoàn và Sao Cơ Loan, nhưng đã hướng sự chú ý sang các làng quê nông thôn từ năm 2014.
Chung nói rằng: “Khi nhìn vào Hồng Kông, nhiều kiến trúc sư đi thẳng vào nghiên cứu các khu vực nội thành, nơi có mật độ dân cư cao, nhưng tôi nhận ra - cả ở cấp độ giảng dạy và nghiên cứu - còn nhiều nơi có thể khám phá ngoài những khu vực đó”.
Chung chuyển trọng tâm sang Đảo Lạn Đầu vào năm 2021 khi đang thực hiện một dự án do Quỹ Bảo tồn Lạn Đầu của Chính phủ hỗ trợ nhằm bảo tồn ngôi làng Thủy Khẩu 400 năm tuổi, dọc theo bờ biển phía nam của hòn đảo.
Trong thời gian này, anh phát hiện ra những căn nhà mái bằng của Khu cắm trại Núi Lạn Đầu, nép mình trên sườn dốc bên dưới Đỉnh núi Thái Đông (ngọn núi cao thứ ba của Hồng Kông với độ cao 869 mét) và Nhị Đông Sơn (ngọn núi cao thứ chín với độ cao 747 mét).
Anh Chung kể lại: “Vào đầu thế kỷ 20, các nhà truyền giáo từ các quốc gia khác nhau - Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Scandinavia, Thụy Sĩ và Đức - sẽ đến nơi đó như một địa điểm du lịch mùa hạ. Một vài người trong số họ sẽ gặp nhau tại đó lần đầu tiên. Họ thực sự có cả một cộng đồng ở đó,”.
Một số căn nhà đơn tầng được đẽo gọt thô sơ, có diện tích từ 200 đến 400 foot vuông, gồm hai hoặc ba phòng và một phòng tắm nhưng không có lưới điện chính, hiện vẫn thuộc về các nhà thờ đã xây dựng các căn nhà đó vào giữa những năm 1920 và đầu những năm 1930.
Các căn nhà khác đều thuộc sở hữu của những cá nhân tìm kiếm cảm giác yên tĩnh, những ngày hè mát mẻ hơn và tầm nhìn tuyệt diệu hướng ra núi và thành phố. Vào những ngày trời trong, họ còn có thể nhìn thấy Cửu Long, Trường Châu, Sân bay Quốc tế Hồng Kông và Thâm Quyến.
Chung hồi tưởng lại một cách sống động chuyến thăm đầu tiên của anh đến khu vực này vào tháng 11, khi đó, cảnh quan được tô điểm bởi cánh đồng rộng lớn vàng rực sắc cây chè vè cao tới hai mét.
“Càng lên cao, không khí càng khô hơn và thực vật phát triển quanh đó cũng hoàn toàn khác.” Anh ấy miêu tả rằng: “Khi bạn đến nơi và nhìn thấy những căn nhà gỗ nhỏ rải rác ở hai đồi với phần ‘yên ngựa’ ở giữa,” “Và bạn có thể nhìn tháy những đám mây lơ lửng xung quanh và toàn bộ thành phố ở phía xa. Khung cảnh thực sự tuyệt diệu.”
Lấy cảm hứng từ những trải nghiệm của mình, Chung đã thành lập một nhóm nghiên cứu để bắt đầu một dự án khác cùng với những người dân của trại. Dự án này cũng được quỹ hỗ trợ và có tên 'Tái tạo cảnh quan Khu cắm trại Núi Lạn Đầu: Khôi phục kiến trúc sáng tạo cộng đồng và bảo tồn thiên nhiên thông qua các sáng kiến chung sức'.
Bắt đầu từ năm 2023, sáng kiến này kéo dài ba năm với mục đích khôi phục cabin có vị trí chiến lược để trở thành một 'trạm hỗ trợ' chức năng giúp cung cấp các nhu yếu phẩm khẩn cấp cho du khách và tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu bảo tồn thí điểm.
Chung giải thích: “Việc khôi phục kiến trúc sẽ là điểm khởi đầu. Chúng tôi sẽ khôi phục một trong những cabin được gọi là 'Nhà của người trông coi', nơi những người có hiểu biết về núi sẽ được bố trí ở đó để trợ giúp trong những trường hợp khẩn cấp và chăm sóc cảnh quan. Họ cũng sẽ hướng dẫn du khách những gì nên làm và không nên làm.”
Việc thi công các cabin là công việc rất hấp dẫn đối với Chung. Được xây dựng bằng những viên đá dày 40 cm, các cabin có tính thực dụng và sự nhỏ gọn. “Hầu hết cabin được làm từ những khối hình chữ nhật lớn và một số khối hình tròn. Từ những cánh cửa chớp được cố định bằng thanh sắt và các phòng có giếng trời nhỏ, bạn có thể thấy rằng cabin được xây dựng theo phong cách bảo vệ.”
Thiết kế của những cabin này có lẽ bắt nguồn từ kinh nghiệm trong quá khứ. Các nhà truyền giáo trước đây đã từng xây dựng một trại trên đỉnh Đại Mạo Sơn (đỉnh núi cao nhất Hồng Kông với độ cao 957 mét) nhưng sau đó đã bị một cơn bão phá hủy. Tuy nhiên, những bức tường vững chắc của cabin ở Khu cắm trại Núi Lạn Đầu đã chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt quanh năm sau gần một thế kỷ.
Dự án đã giới thiệu Chung với một số cư dân, trong đó có Mark Loasby, giám đốc điều hành kiêm chủ tịch Hiệp hội Cư dân Khu cắm trại Núi Lạn Đầu, người đã hỗ trợ cho nghiên cứu.
Nhóm của Chung hiện đang ghi lại những câu chuyện về khu cắm trại, bao gồm cả cách những cư dân gốc kết nối với du khách bị thu hút bởi địa điểm này và những ngôi làng lân cận tìm nguồn cung ứng hàng hóa suốt nhiều thập kỷ. Chung nói: “Những người truyền giáo ở trại đã kết bạn khắp nơi trên Lạn Đầu”.
Ông hy vọng cuối cùng sẽ tạo ra trải nghiệm thực tế ảo 360 độ về khu vực, công chúng có thể truy cập trên máy tính và điện thoại di động, từ đó giúp mọi người nhận ra rằng Khu cắm trại Núi Lạn Đầu là một tài sản lịch sử quan trọng đáng được bảo tồn. Chung cho biết: “Chúng tôi muốn tìm hiểu tất cả các khía cạnh khác nhau của địa phương này và phổ biến thông tin đến mọi người. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch cho các hoạt động trải nghiệm tại khu trại và ở trung tâm thành phố nhằm thu hút mọi người tham gia và truyền cho họ tri thức về nơi đây cũng như cách chăm sóc”.